CÁC BỆNH VỀ TIÊU HÓA TRONG DỊP LỄ, TẾT- CÁCH PHÒNG CHỐNG
TS.BS HÀ VĂN THIỆU
Vào dịp Lễ, Tết các gia đình thường chế biến sẵn thức ăn dự trữ và dùng trong vài ngày.
Thức ăn trong ngày Lễ, Tết giàu đạm, chất béo, ít chất khoáng; thức ăn dự trữ trong tủ lạnh, nấu đi nấu lại nhiều lần, các loại thức ăn chế biến sẵn như (nem chua, giò…) chứa nhiều chất bảo quản dễ gây tiêu chảy.
Sự phong phú và đa dạng màu sắc của các loại thực phẩm ngày Tết, kích thích bé muốn ăn thỏa thích như: bánh kẹo, mứt, hạt và quả khô…Những thực phẩm này nhiều đường, chua, nhiều phẩm màu… khiến cho trẻ em dễ bị rối loạn tiêu hóa (RLTH) như nôn trớ, đau bụng, biếng ăn, táo bón, tiêu chảy…
- Thức ăn dù đã nấu chín nhưng nếu để lâu trong nhiệt độ phòng lại là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vì thế ngộ độc thức ăn và tiêu chảy cấp là những bệnh rất thường gặp trong dịp Lễ, Tết đặc biệt trẻ em là đối tượng dễ bị loạn tiêu hóa (RLTH), rất nhiều bé gặp phải tình trạng đầy bụng, khó tiêu, chán ăn, nặng hơn nữa là táo bón, tiêu chảy, thậm chí có bé còn bị ngộ độc thức ăn.
- Tùy theo tác nhân gây ngộ độc, người bệnh sẽ có những triệu chứng RLTH như buồn nôn, nôn, bụng đau quặn từng cơn sau đó bị tiêu chảy, có thể kèm theo sốt, môi khô, lưỡi bẩn…
* Nếu bị ngộ độc thức ăn, ói nhiều hoặc tiêu chảy. Cần uống oresol để bù lại lượng nước và muối đã mất. Nếu thấy tình trạng nặng thì phải đi cấp cứu ngay, tuyệt đối không được dùng thuốc cầm tiêu chảy như sái thuốc phiện… vì cơ thể cần thải ra các chất độc đã xâm nhập.
* Những sai lầm thường gặp: Nhiều bố mẹ thấy con bị tiêu chảy, nôn trớ nhưng ngại đưa con đi bệnh viện vào những ngày Lễ, Tết đã tự ý mua kháng sinh về điều trị cho bé. Điều này không giảm được tình trạng tiêu chảy mà còn làm nặng nề hơn bởi vì kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có lợi khiến cho bé bị loạn khuẩn.
- Khi bị RLTH, tiêu chảy, táo bón…hậu quả làm bé mệt mỏi, lười vận động, thức ăn khó tiêu hóa hơn, hấp thu kém và rối loạn vị giác từ đó dẫn đến sợ ăn và lười ăn, thậm chí gây mất nước nguy hiểm sức khỏe.
* Để hạn chế những triệu chứng RLTH, tiêu chảy, táo bón…các bậc phụ huynh hãy chú ý những việc sau
- Duy trì giờ giấc sinh hoạt của bé: ăn đúng giờ, tránh nhồi nhét , ép bé và tránh cho ăn vội vàng.
- Cho bé những đồ ăn tươi và dễ tiêu hóa, tránh ăn những đồ ăn nấu lại nhiều lần và những thức ăn chế biến sẵn.
- Hạn chế tối đa bánh, kẹo, mứt các loại.
- Khi bé bị táo bón: cho bé uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả, bổ sung các vitamin nhóm B.
- Với trẻ tiêu chảy: Cho bé ăn những thức ăn nhẹ, lỏng dễ tiêu như cháo, súp, bù nước cho bé bằng cách pha oresol, Hydrite với nước sôi để nguội và cho bé uống (chú ý cách pha với số lượng nước theo chỉ dẫn trên gói thuốc).
Hiện nay trên các hiệu thuốc và đại lý thuốc đều có gói Hydrite cách pha tiện lợi là 1 gói pha trong 200ml nước để uống. Đây là loại nước biển có nồng độ thẩm thấu thấp, làm giảm khối lượng tiêu chảy và nôn, giảm nhu cầu truyền dịch trong tiêu chảy. Đồng thời nó an toàn, hiệu quả trong điều trị và phòng mất nước bất kể nguyên nhân gì; Sữa chua cũng rất tốt với bé trong thời kỳ này.
Cần tránh các loại nước giải khát, nước ép trái cây quá ngọt vì chúng làm cho bệnh xấu hơn. Tránh các thức uống có cà phê. Cho trẻ uống nhiều tùy theo khả năng của trẻ. Cần phải uống chậm, từng muỗng (từng ngụm nếu trẻ lớn hơn). Nếu trẻ bị ói thì ngưng lại khoảng 10 phút, sau đó cho trẻ uống lại nhưng chậm hơn.
Nên lưu ý cho bé ăn, bú nhiều ngay cả khi bị tiêu chảy. Tuyệt đối không được bắt trẻ nhịn ăn để “ruột nghỉ ngơi”. Điều này hết sức sai lầm và rất nguy hiểm. Cho trẻ ăn sớm sẽ có tác dụng tốt lên tiến trình của bệnh. Thức ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, không cần phải đặc biệt gì hơn cả. Chú ý nấu nhừ, chia làm nhiều bữa.
- Bên cạnh đó, có thể hỗ trợ tiêu hóa cho bé bằng cách bổ sung một hệ vi khuẩn mới có lợi dưới dạng chế phẩm Probiotics. Loại men vi sinh này sẽ giúp lập lại cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, giúp tăng cường vi khuẩn có ích, giảm các vi khuẩn gây bệnh, tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn giúp thức ăn được tiêu hóa tó hơn, tăng cường hấp thu dưỡng chất.
- Phải thường xuyên bổ sung orezol để bù lại lượng nước đã mất. Nếu thấy tình trạng nặng thì phải đi cấp cứu ngay. Tuyệt đối không được dùng thuốc cầm tiêu chảy, kháng sinh tùy tiện.
- Ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh. Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, bụi bặm. Xử lý phân, chất thải đảm bảo vệ sinh chung.
- Những ngày Tết, hầu hết các hiệu thuốc đều đóng cửa vì vậy để phòng bệnh tiêu chảy, chứng khó tiêu, đầy bụng, hãy chuẩn bị một số thuốc sẵn sàng trong tủ thuốc gia đình của bạn: vài gói oresol hoặc viên hydrite dùng để bù nước trong trường hợp nôn, tiêu chảy; motilium dùng trong trường hợp đầy hơi, khó tiêu, Smecta, Hydrasec … dùng khi tiêu chảy.
- Trong những ngày Tết, dù bận rộn tiếp khách, vui chơi, bố mẹ cũng cần dành thời gian quan tâm, chăm sóc trẻ.
* Đem bé đến cơ sở y tế ngay khi:
+ Bé bỏ ăn, bỏ bú
+ Bé mất nước, mệt nhiều, nhiễm khuẩn kèm theo
+ Bé rất khát nước
+ Bé ói liên tục, không uống được
+ Bé sốt cao khó hạ
+ Bé tiêu phân có máu
+ Bé li bì, khó đánh thức
+ Bé có co giật.
+ Trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị.
- Phun khí dung (30.11.2017)
- Phòng khám Nhi uy tín quận 9 (30.11.2017)
- Viêm VA (17.12.2017)
- Vài điều cần biết về viêm gan B (22.11.2017)
- Xét nghiệm thổi bong bóng HP (BS Thiệu) (15.12.2017)