CÁC BỆNH TIÊU HÓA THƯỜNG GẶP Ở TRẺ EM
TS.BS Hà Văn Thiệu
Hệ tiêu hóa của con người là một ống cơ dài đi từ miệng tới hậu môn và các cơ quan phụ đổ chất tiết vào ống tiêu hóa. Đó là các tuyến nước bọt, túi mật và tuyến tụy.
Bộ máy tiêu hóa có 4 công việc chính.
- Vận chuyển nhào trộn thức ăn.
- Tiêu hóa thức ăn thành những phần nhỏ hơn.
- Hấp thu thức ăn đã tiêu hóa (chủ yếu ở ruột).
- Chuyển hóa các thức ăn đã được hấp thu thành những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể (chủ yếu diễn ra ở gan).
Hình 1. Hệ thống tiêu hóa của người
Để hoàn thành các chức năng trên, hệ tiêu hóa thực hiện các hoạt động nhào bóp, tiết dịch tiêu hóa, hấp thu và đào thải. Do đảm nhận nhiều chức năng nên các triệu chứng bệnh thường gặp của bộ máy tiêu hóa rất đa dạng, rải dọc theo ống tiêu hóa, dưới đây là một số bệnh tiêu hóa thường gặp, trẻ nhỏ dễ mắc phải những căn bệnh về đường tiêu hóa hơn người lớn. Trong những năm đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn đang phát triển và hết sức non nớt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ gặp phải một số bệnh về đường tiêu hóa.
1. Khó tiêu
Biểu hiện ở những cơn đau bụng kèm theo quấy, mệt mỏi, thở ra có mùi khó chịu, nôn, phân xấu, lúc mềm, có khi lổn nhổn, có khi xanh nhớt…
Chữa trị bằng cách thay đổi chế độ ăn nếu hiện tượng khó tiêu kéo dài, có thể cho trẻ ăn sữa chua, pha sữa hơi loãng, cho bú, ăn đúng cách…
Hình 2. Rối loạn tiêu hóa
2. Bệnh tiêu chảy
Trẻ thường mắc phải bệnh tiêu chảy, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài. Nguyên nhân là do viêm nhiễm virút hoặc vi khuẩn hoặc nguyên nhân khác. Bệnh tiêu chảy có thể là cấp tính hoặc kéo dài, được xác định là đi đại tiện trên 3 lần/ngày kéo theo dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, mất nước. Tiêu chảy cấp tính các triệu chứng thường kéo dài 3-5 ngày.
XỬ TRÍ BỆNH TIÊU CHẢY CẤP
2.1. Mục tiêu
- Dự phòng mất nước nếu chưa có dấu hiệu mất nước.
- Điều trị mất nước khi có dấu hiệu mất nước.
- Dự phòng SDD.
- Giảm thời gian, mức độ của tiêu chảy và các đợt tiêu chảy trong tương lai bằng bổ sung kẽm.
2.2. Quyết định điều trị
Sau khi hoàn thành việc thăm khám, cần quyết định chọn phác đồ điều trị.
Lựa chọn phác đồ thích hợp dựa vào mức độ mất nước.
- Đối với trẻ không mất nước, lựa chọn phác đồ A.
- Đối với trẻ có mất nước, lựa chọn phác đồ B.
- Đối với trẻ mất nước nặng, lựa chọn phác đồ C.
- Nếu phân có máu (lỵ) cần điều trị kháng sinh.
- Nếu trẻ sốt, hướng dẫn bà mẹ làm hạ nhiệt bằng khăn ướt hoặc quạt cho trẻ, sau đó mới xem xét và điều trị các nguyên nhân khác (chẳng hạn như sốt rét).
2.3. Phác đồ điều trị
- Phác đồ A. Điều trị tiêu chảy tại nhà (xem phác đồ A).
- Phác đồ B. Điều trị mất nước bằng ORS, bù dịch bằng đường uống tại cơ sở y tế (xem phác đồ B).
- Phác đồ C. Điều trị nhanh chóng tiêu chảy mất nước nặng (xem phác đồ C).
Lưu ý
- Một số dung dịch có thể gây nguy hiểm nên phải tránh sử dụng khi tiêu chảy, đặc biệt là những loại nước uống ngọt có đường vì có thể gây tiêu chảy thẩm thấu và tăng natri máu, ví dụ như nước uống công nghiệp chứa CO2, nước trà đường, nước trái cây công nghiệp.
- Một số dung dịch khác nên tránh vì chúng là những chất kích thích gây lợi tiểu và là thuốc tẩy, ví dụ như cà phê, các loại trà thuốc hoặc dung dịch truyền.
- Những thức ăn nên tránh: Không nên cho trẻ ăn những rau sợi thô, củ quả, hạt ngũ cốc có nhiều chất xơ vì khó tiêu hoá.
Nước cháo loãng chỉ có tác dụng bù nước chỉ làm cho trẻ có cảm giác no mà không đủ các chất dinh dưỡng.
Những thức ăn chứa quá nhiều đường có thể gây tiêu chảy thẩm thấu gây tiêu chảy nặng hơn.
Cho trẻ uống bổ sung kẽm (10mg; 20mg) hàng ngày trong 10 - 14 ngày.
Cho trẻ uống càng sớm càng tốt ngay khi tiêu chảy bắt đầu.
Kẽm sẽ làm rút ngắn thời gian và mức độ trầm trọng của tiêu chảy.
Kẽm rất quan trọng cho hệ thống miễn dịch của trẻ và giúp ngăn chặn những đợt tiêu chảy mới trong vòng 2 - 3 tháng sau điều trị. Kẽm giúp cải thiện sự ngon miệng và tăng trưởng.
- Trẻ < 6 tháng tuổi: 10mg/ngày, trong vòng 10 - 14 ngày.
- Trẻ ≥ 6 tháng tuổi: 20mg/ngày, trong vòng 10 - 14 ngày. Nên cho trẻ uống kẽm lúc đói.
Đưa trẻ đến khám ngay khi trẻ có một trong những biểu hiện sau
- Đi ngoài rất nhiều lần phân lỏng (đi liên tục)
- Nôn tái diễn
- Trở nên rất khát
- Ăn uống kém hoặc bỏ bú
- Trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị
- Sốt cao hơn
- Có máu trong phân
Giải pháp: Tuy bị tiêu chảy nhưng hệ thống tiêu hóa vẫn hấp thụ nước bình thường vì vậy nên cho trẻ uống đủ nước, nhất là dùng dung dịch ORS (Oresol), gói hydrite pha dung dịch này theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nước pha 12-24 giờ không dùng hết nên bỏ đi.
Nếu số lần tiêu chảy không nhiều, không mất nước có thể bù nước bằng nước thông thường hoặc nước ép trái cây và ăn uống đủ 4 nhóm thực phẩm là chất bột, chất béo, đạm và rau, cho trẻ ăn thịt nhiều mỡ, nên dùng sữa không có đường lactose theo khuyến cáo của bác sĩ.
Phòng ngừa: Nên ăn chín uống sôi, dùng nguồn nước sạch, rửa tay sạch khi chăm sóc bé, không cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh tiêu chảy, không sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi. Nếu ở thể nặng nên đưa trẻ đi khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
3. Táo bón
Do hệ thống tiêu hóa còn non trẻ lại đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện nên trẻ dễ mắc bệnh táo bón.
Bệnh táo bón trẻ em là căn bệnh rối loạn tiêu hóa, làm cho các bậc cha mẹ lo lắng. Trẻ bị táo bón thường có dấu hiệu khó đại tiện, đau khi đi đại tiện, chất thải cứng và khô. Theo nghiên cứu thì nguyên nhân gây táo bón là do thiếu chất xơ trong chế độ dinh dưỡng, do tác dụng phụ của các loại thuốc chữa bệnh, do viêm nhiễm, do thiếu nước... Ngoài ra còn do yếu tố thần kinh. Ví dụ rối loạn cảm xúc, sợ sệt, stress cao cũng là nguyên nhân dễ gây bệnh.
Giải pháp: Nên cho trẻ uống nhiều nước nhưng không cho uống nước sôđa, nước ngọt, nên dùng nước hoa quả pha loãng với sữa, tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày, nên cung cấp đủ dưỡng chất trong chế độ ăn uống hàng ngày. Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ, không nên tự mua thuốc về dùng để hạn chế những sự cố khôngmong muốn có thể xảy ra.
Hình 3. Táo bón lâu ngày
4. Bệnh GERD
GERD (GastrooesophagealReflux Disease) là bệnh trào ngược dạ dày- thực quản hay còn gọi là chứng ợ nóng, ợ chua.
Hiện tượng trào ngược dạ dày- thực quản ở trẻ là hiện tượng một phần các chất chứa trong dạ dày đi ngược lên thực quản. Hiện tượng này mang tính sinh lý, thường gặp với trẻ dưới 18 tháng tuổi.
Khối lượng dịch ói ra thường nằm trong khoảng 15 đến 30ml, hoặc có thể nhiều hơn. Hầu hết các trẻ có hiện tượng trào ngược vẫn cảm thấy bình thường.
Đặc thù của bệnh là thực quản bị viêm tấy dưới tác động của acid từ dạ dày đưa lên. Dạ dày là nơi sản xuất ra acid clohydric (HCL) để làm nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn. Các cơ thực quản làm nhiệm vụ co giãn để ngăn không cho thức ăn trào ngược nhưng ở những người mắc bệnh cơ thực quản không làm đúng chức năng nên acid trào ra gây tổn thương lớp niêm mạc của thực quản.
Nếu như hiện tượng này là trào ngược bệnh lý thì xảy ra thường xuyên và kéo dài hơn. Hiện tượng này không tự giảm theo tuổi và có khả năng gây ra viêm thực quản.
Trào ngược dạ dày- thực quản ở trẻ thường xảy ra do thoát vị qua lổ thực quản, tăng áp lực ổ bụng: béo phì, u, quần áo chật, sử dụng một số loại thuốc khiến tăng trương lực cơ môn vị, hoặc các loại thức ăn có chứa nhiều chất kích thích như gia vị, cà phê, thuốc lá…
Hình 4. GERD
Hiện tượng này thường có các triệu chứng như trớ ra dịch có mùi chua, lượng dịch chua này thường nhiều hơn sau ăn, và thường xảy ra khi ngủ, khóc khi bú, bỏ bú, khóc không rõ nguyên nhân.
Nếu các trẻ lớn hơn thì khi bị trào ngược dạ dày – thực quản thường kèm theo hiện tượng ợ chua, nóng rát sau thực quản, viêm thực quản khiến trẻ bị đau khi bú, nóng rát, viêm thanh quản tái diễn, khò khè..
Rất nhiều nguyên nhân gây bệnh GERD nhưng chủ yếu vẫn là do ăn uống, ăn quá nhiều trước khi đi ngủ, mắc bệnh thoát vị hoành do stress hoặc cả những nguyên nhân khác. Chứng ợ chua có thể kéo gây cảm giác đau rát ở giữa ngực, xuống ức, ợ ra mùi đắng trong khi ngủ hoặc khi cười nói và gây khó thở.
Giải pháp: Nên duy trì ăn uống khoa học, nếu bệnh nặng cần đi khám bác sĩ, tư vấn và điều trị để khỏi gâyảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai của trẻ.
Hình 5. Hình ảnh trào ngược dạ dày thực quản, quấy
Tóm lại: Trong những năm đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn đang phát triển và hết sức non nớt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ gặp phải một số bệnh về đường tiêu hóa.
Không bao giờ cho thuốc cầm tiêu chảy hay thuốc chống nôn cho trẻ một cách tùy tiện. Việc này không giúp ích trong điều trị tiêu chảy và một số thuốc này lại nguy hiểm. Các thuốc nguy hiểm bao gổm thuốc giảm nhu động ruột (như codeine, dẫn xuất á phiệt, diphenoxylate, loperamide), hay thuốc điều trị nôn (như métoclopra mide)…
Chúc quí phụ huynh nuôi con chóng lớn, khỏe mạnh
- Phòng chống Rối loạn Tiêu hóa trong dịp Tết (22.11.2017)
- Phòng khám Nhi uy tín quận 9 (30.11.2017)
- Viêm VA (17.12.2017)
- Vài điều cần biết về viêm gan B (22.11.2017)
- Xét nghiệm thổi bong bóng HP (BS Thiệu) (15.12.2017)